Việt Gia Trang

Quán nhỏ ven đường

  • Cuộc sống
    • Những câu nói hay về cuộc sống
  • Thơ hay
  • Công Nghệ
  • Phim
  • Game
  • Tính phần trăm (%) online

Tháng 3 8, 2025 by ModD Leave a Comment

SẢN XUẤT CAO NẤM MEN GIÀU LIPID BỔ SUNG CHO THỨC ĂN CHĂN NUÔI

SẢN XUẤT CAO NẤM MEN GIÀU LIPID  BỔ SUNG CHO THỨC ĂN CHĂN NUÔI

Cao nấm men được chiết xuất từ các tế bào nấm men, chứa 50-75% protein, 4-13% carbon hydrat và không có lipid. Hầu hết các sản phẩm thương mại cao nấm men đều có nguồn gốc từ Trung Quốc, Hà Lan, và Mỹ. Các sản phẩm này giàu vitamin, khoáng chất, axit amin và các thành phần thiết yếu khác. Tuy nhiên, tất cả các sản phẩm cao nấm men này hầu như không chứa lipid, trong khi nhu cầu cung cấp về chất béo trong ngành sản xuất thức ăn chăn nuôi là rất lớn. Công nghệ sản xuất cao nấm mentại Việt Nam chưa có, chỉ hoàn toàn phụ thuộc vào các doanh nghiệp nước ngoài.

Trong khi đó, thị trường thức ăn chăn nuôi tại Việt Nam phát triển khá nhanh, với mức tăng trưởng từ 10-13%/năm đã đưa nước ta thành nước đứng thứ 17 trên thế giới về sản lượng thức ăn chăn nuôi công nghiệp năm 2014. Tuy nhiên, giá thực phẩm có nguồn gốc từ gia súc, gia cầm ở đầu ra rất thấp, nhưng chi phí thức ăn đầu vào rất cao (chiếm khoảng 70% giá thành). Sở dĩ chi phí thức ăn cho chăn nuôi đầu vào cao là do doanh nghiệp Việt Nam hằng năm phải nhập khẩu tới 50% nguồn nguyên liệu từ nước ngoài, đặc biệt là những chất phụ gia như cao nấm men, đạm hữu cơ (protein), chất béo (lipid). Do đó, nhu cầu về nguyên liệu sản xuất thức ăn giàu đạm, lipid và các chế phẩm sinh học cho vật nuôi là rất lớn.

Hiện nay, chủng nấm men Lipomyces starkeyi có khả năng sinh lipid cao nhưng việc ứng dụng vi sinh vật này tại Việt Nam còn ít, chỉ có dạng chế phẩm Lipomycin M để giữ ẩm cho đất. Nhận thấy tiềm năng của chủng nấm men Lipomyces starkeyi có khả năng sử dụng để sản xuất cao nấm men giàu lipid bổ sung vào thức ăn chăn nuôi, nhóm nghiên cứu thuộc Trung tâm Ươm tạo Doanh nghiệp Nông nghiệp Công nghệ cao đã tiến hành thử nghiệm sản xuất chế phẩm cao nấm men giúp tăng trọng lượng gà. Nhóm nghiên cứu sử dụng cách tạo đột biến ngẫu nhiên chủng nấm men Lipomyces starkeyi để làm tăng khả năng sinh lipid, tạo chế phẩm để bổ sung vào thức ăn chăn nuôi. Kết quả nghiên cứu cho thấy hàm lượng lipid sinh ra ở chủng đột biến Lipomyces starkeyi A3 cao hơn 10% so với các chủng khác. Sản phẩm cao nấm men sau khi sấy phun có dạng bột, màu vàng nhạt, hàm lượng protein là 50% và lipid là 45%. 

 Sau khi tạo được chế phẩm, nhóm nghiên cứu đã thử nghiệm bổ sung chế phẩm vào thức ăn cho gà để theo dõi sự thay đổi trọng lượng của chúng. Kết quả bước đầu khi thử nghiệm tại trại nuôi gà rất khả quan, gà tăng trưởng nhanh, ít bệnh, tỷ lệ sống cao. Sau 2 tháng thử nghiệm, nhóm nghiên cứu đã xác định được hàm lượng bổ sung cao nấm men tối ưu trong thức ăn cho gà là 5g/kg. Với hàm lượng cao nấm men bổ sung như trên đã giúp cải thiện trọng lượng gà, cụ thể trọng lượng gà tăng 26%, lợi nhuận tăng 33% so với lô đối chứng.

Ngày nay, việc ứng dụng những chế phẩm từ vi sinh vật đang dần phổ biến trong lĩnh vực nông nghiệp, đặc biệt là những chế phẩm bổ sung vào thức ăn chăn nuôi nhằm tăng chất lượng thịt gia súc, gia cầm và tăng hiệu quả kinh tế. Dự án của nhóm nghiên cứu đã giải quyết được vấn đề thiếu hụt lipid trong thức ăn chăn nuôi, giúp tăng trọng lượng gà với các kết quả rất khả quan. Do đó, khả năng ứng dụng thực tế chế phẩm cao nấm men để bổ sung vào thức ăn chăn nuôi là rất lớn, không những giúp tăng trọng lượng cho gia cầm mà còn giúp chúng tăng trưởng nhanh, giảm thời gian nuôi, khả năng sống sót cao hơn. Ngoài ra, chế phẩm này cũng thay thế các loại thuốc kích thích tăng trọng gây ảnh hưởng không tốt lên sức khỏe con người, đồng thời chế phẩm này an toàn với môi trường và còn góp phần vào việc phát triển nông nghiệp xanh và bền vững.

Nguồn tin: Phòng Hỗ trợ Công nghệ Vi sinh – Trung tâm Ươm tạo Doanh nghiệp Nông nghiệp Công nghệ cao

https://abi.com.vn/cong-nghe-vi-sinh/san-xuat-cao-nam-men-giau-lipid-bo-sung-cho-thuc-an-chan-nuoi-120.html

Filed Under: Công nghệ vi sinh

Tháng 3 8, 2025 by ModD Leave a Comment

Ứng dụng vi khuẩn Rhodopseudomonas palustris sản xuất chế phẩm sinh học dùng cho cây trồng

 Năng suất cây trồng luôn là vấn đề quan tâm hàng đầu của mọi nền nông nghiệp. Do đó, đã có rất nhiều phương pháp được sử dụng nhằm cải thiện năng suất cũng như tăng cường sức đề kháng của cây trồng với mầm bệnh trong đó phổ biến nhất là sử dụng thuốc trừ sâu và phân bón hoá học. Việc sử dụng dư thừa lượng phân hoá học trong hệ thống canh tác hiện nay đã dẫn đến các mối nguy về môi trường như: gây ô nhiễm môi trường, thoái hoá đất và ảnh hưởng xấu đến sức khoẻ con người. Cùng với sự phát triển của khoa học kỹ thuật, các biện pháp và xu hướng mới đã ra đời với mục tiêu xây dựng một nền nông nghiệp bền vững, thân thiện với môi trường mà vẫn đạt năng suất cao. Bên cạnh đó, gần đây nhiều công bố khoa học cho thấy tiềm năng sử dụng tương tác có lợi giữa vi sinh vật với cây trồng để kích thích sinh trưởng ở thực vật.

          Khả năng kích thích sinh trưởng thực vật của các chủng vi sinh vật này được biết đến thông qua cơ chế cố định đạm hoặc sự sản sinh các hợp chất sinh học như các phytohormone, vitamin và cả một số loại enzyme có khả năng ức chế sự phát triển của mầm bệnh qua đó kích thích sinh trưởng của cây chủ. Chính bởi những ưu điểm này mà việc sản xuất các chế phẩm vi sinh từ  vi sinh vật có khả năng kích thích sinh trưởng thực vật đang là một hướng đi đầy tiềm năng. Rhodopseudomonas palustris là một loại vi khuẩn có khả năng đặc biệt là có thể sinh trưởng trong môi trường có hoặc không có oxy. Đây là loại vi khuẩn có lợi và cần thiết cho cây trồng, có khả năng thích nghi với các điều kiện khí hậu khác nhau.

           Từ những thực tiễn đó, nhiệm vụ “Ứng dụng vi sinh vật kích thích sinh trưởng thực vật Rhodopseudomonas palustris sản xuất chế phẩm sinh học dùng cho cây trồng” được Trung tâm Ươm tạo Doanh nghiệp Nông nghiệp Công nghệ cao thực hiện nhằm tạo ra một chế phẩm vi sinh phục vụ cho một nền nông nghiệp bền vững, thân thiện với môi trường trong thời kỳ mới. Kết quả, 03 dòng vi khuẩn Rhodopseudomonas palustris phân lập từ các mẫu đất, nước nhận diện bằng kỹ thuật PCR, được chọn để khảo sát khả năng tổng hợp IAA và ảnh hưởng của chúng lên sự phát triển của rễ bắp trong điều kiện phòng thí nghiệm. Kết quả thí nghiệm cho thấy, cả ba dòng R1, R2, R3 đều có khả năng tổng hợp IAA. Dòng R1 tổng hợp được lượng IAA nhiều nhất 6,4µg/ml vào ngày thứ 7 sau khi chủng. Lượng IAA sinh ra này góp phần làm tăng chiều dài rễ bắp và tăng số lượng rễ phụ trong thí nghiệm. Chiều dài rễ bắp tăng 1,5 lần so với đối chứng khi được chủng dòng R1 sau 14 ngày.

https://abi.com.vn/cong-nghe-vi-sinh/ung-dung-vi-khuan-rhodopseudomonas-palustris-san-xuat-che-pham-sinh-hoc-dung-cho-cay-trong-169.html

Filed Under: Công nghệ vi sinh

Tháng 3 8, 2025 by ModD Leave a Comment

SỬ DỤNG CHẾ PHẨM SINH HỌC TRONG NÔNG NGHIỆP

1. Chế phẩm sinh học là gì

Theo ý kiến của các nhà khoa học, chế phẩm sinh học là sản phẩm của quá trình tái tạo và sử dụng tài nguyên sinh học. Để phân loại chế phẩm sinh học người ta chia ra: Chế phẩm sinh học truyền thống và chế phẩm sinh học mới. Các chế phẩm (sản phẩm ) sinh học truyền thống như bao gồm vật liệu xây dựng từ gỗ, giấy và bột giấy, rừng và các sản phẩm từ rừng. Các chế phẩm sinh học mới có thể bao gồm các chế phẩm có nguồn gốc sinh học như: nhiên liệu sinh học, năng lượng sinh học, tinh bột và cellulose ethanol, chất kết dính sinh học, hóa sinh, nhựa sinh học, vv … Chế phẩm sinh học mới là đối tượng và kết quả của hoạt động nghiên cứu và phát triển một cách đáng kể cuối thế kỷ 20, đầu thế kỷ 21. Chế phẩm sinh học có nguồn gốc từ tài nguyên sinh học có thể thay thế nhiều nhiên liệu, hóa chất, nhựa hiện đang có nguồn gốc từ dầu khí.

Hiện nay, sự phát triển của nền nông nghiệp nước ta đang đi vào mức độ thâm canh cao với việc sử dụng ngày càng nhiều phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật hóa học và hàng lọat các biện pháp như trồng lúa 3 vụ, phá rừng canh tác cà phê, hồ tiêu, điều… với mục đích khai thác, chạy theo năng suất và sản lượng. Chính vì vậy, với sự canh tác trên đã làm cho đất đai ngày càng thóai hóa, dinh dưỡng bị mất cân đối, mất cân bằng hệ sinh thái trong đất, hệ vi sinh vật trong đất bị phá hủy, tồn dư các chất độc hại trong đất ngày càng cao, nguồn bệnh tích lũy trong đất càng nhiều dẫn đến phát sinh một số dịch hại không dự báo trước.

Chính vì vậy, xu hướng quay trở lại nền nông nghiệp hữu cơ với việc tăng cường sử dụng chế phẩm sinh học, phân bón hữu cơ trong canh tác cây trồng đang là xu hướng chung của Việt Nam nói riêng và thế giới nói chung.

2. Vai trò của chế phẩm sinh học trong nông nghiệp

Vai trò của chế phẩm sinh học, trong đó có vi sinh vật trong sản xuất nông nghiệp được thừa nhận có các ưu điểm sau đây:

– Không gây ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe con người, vật nuôi, cây trồng. Không gây ô nhiễm môi trường sinh thái.

– Có tác dụng cân bằng hệ sinh thái ( vi sinh vật, dinh dưỡng …) trong môi trường đất nói riêng và môi trường nói chung.

– Ứng dụng các chế phẩm sinh học không làm hại kết cấu đất, không làm chai đất, thóai hóa đất mà còn góp phần tăng độ phì nhiêu của đất.

– Có tác dụng đồng hóa các chất dinh dưỡng, góp phần tăng năng suất và chất lượng nông sản phẩm.

– Có tác dụng tiêu diệt côn trùng gây hại, giảm thiểu bệnh hại, tăng khả năng đề kháng bệnh của cây trồng mà không làm ảnh hưởng đến môi trường như các lọai thuốc BVTV có nguồn gốc hóa học khác.

– Có khả năng phân hủy, chuyển hóa các chất hữu cơ bền vững, các phế thải sinh học, phế thải nông nghiệp, công nghiệp, góp phần làm sạch môi trường.

3. Tình hình ứng dụng các chế phẩm sinh học trong canh tác cây trồng hiện nay

* Nhóm chế phẩm sinh học ứng dụng cho phòng trừ sâu bệnh: Đây là nhóm sản phẩm được ứng dụng khá rộng rãi và được ứng dụng sớm nhất trong lĩnh vực cây trồng. Bao gồm một số sản phẩn tiêu biểu: nguồn gốc thảo mộc, nguồn gốc vi sinh, nguồn gốc nấm, nguồn gốc virus, nguồn gốc tuyến trùng.

* Phân bón hữu cơ sinh học, hữu cơ vi sinh: Trong lọai phân này có đầy đủ thành phần là chất hữu cơ, có phối chế thêm tác nhân sinh học ( vi sinh, nấm đối kháng ) bổ sung thêm thành phần vô cơ đa lượng (NPK) và vi lượng. Tuỳ thuộc vào nhu cầu của sản xuất mà có thể cân đối phối trộn các loại phân nguyên liệu sao cho cây trồng phát triển tốt nhất mà không cần phải bón bất kỳ các loại phân đơn nào. Phân phức hợp hữu cơ sinh học có thể dùng để bón lót hoặc bón thúc. Loại phân này có hàm lượng dinh dưỡng cao nên khi bón trộn đều với đất. Nếu sản xuất phù hợp cho từng loại cây trồng thì đây là loại phân hữu cơ tốt nhất. Phân bón hữu cơ sinh học, phân hữu cơ vi sinh được sự trợ giúp của vi sinh vật chuyên biệt có khả năng thúc đẩy nhanh quá trình chuyển hóa các phế thải hữu

cơ thành phân bón.

Nhóm nấm đối kháng Trichoderma hiện nay đang được ứng dụng rất rộng rãi trong công nghệ sản xuất phân hữu cơ sinh học hiện nay ở Việt Nam. Phân hữu cơ sinh học có phối trộn thêm nấm đối kháng Trichoderma là lọai phân có tác dụng rất tốt trong việc phòng trừ các bệnh vàng lá chết nhanh, còn gọi là bệnh thối rễ do nấm Phytophthora palmirova gây ra. Hay bệnh vàng héo rũ hay còn gọi là bệnh héo chậm do một số nấm bệnh gây ra: Furasium solari, Pythium sp, Sclerotium rolfosii….

* Chế phẩm cải tạo đất, xử lý phế phẩm nông nghiệp

Trong các chế phẩm cải tạo đất, nhóm vi sinh vật cũng được ứng dụng cải tạo đất bị ô nhiễm do kim lọai nặng và các thúôc hóa học bảo vệ thực vật hữu cơ. Các vi sinh vật này sống ở vùng rễ cây có khả năng sản sinh ra các axit hữu cơ và tạo phức với kim lọai nặng hoặc kim lọai độc hại với cây trồng (nhôm, sắt…), một số vi sinh vật khác có khả năng phân hủy hợp chất hóa học có nguồn gốc hữu cơ. Các vi sinh vật có khả năng phân giải hoặc chuyển hóa các chất gây ô nhiễm trong đất, qua đó tạo lại cho đất sức sống mới. Ngòai ra, các vi sinh vật sử dụng còn có khả năng phân hủy các chất phế thải hữu cơ, cung cấp dinh dưỡng cho cây trồng, đồng thời giúp cây tăng khả năng kháng bệnh do các tác nhân trong đất gây ra. Các vi sinh vật thường được sử dụng trong cải tạo đất thoái hóa, đất có vấn đề do ô nhiễm được ứng dụng nhiều như nấm rễ nội cộng sinh (VAM – Vacular Abuscular Mycorhiza ) và vi khuẩn Pseudomonas.

Tóm lại:

Tiềm năng sử dụng các chế phẩm sinh học trong canh tác cây trồng rất lớn, là một hướng đi đúng đắn, hướng tới một nền nông nghiệp hữu cơ, sinh thái bền vững và thân thiện với môi trường. Tuy nhiên, trên thực tế, việc sử dụng chế phẩm sinh học ở Việt nam còn rất hạn chế, đặc biệt là nhóm chế phẩm sinh học phòng trừ sâu bệnh hại cây trồng. Vì vậy, Nhà nước và ngành nông nghiệp phải có chính sách khuyến khích hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực này. Ngòai ra, cần có sự đầu tư chuyển giao kỹ thuật, tuyên truyền, hướng dẫn người nông dân ủng hộ và ứng dụng rộng rãi các chế phẩm sinh học trong sản xuất nông nghiệp. Như vậy mới giúp cho nông dân có thể nâng cao chất lượng, giảm giá thành sản phẩm, tăng thu nhập cho nông dân trong nền kinh tế hội nhập và cải thiện chất lượng môi trường.

(Nguồn: Báo cáo phân tích xu hướng công nghệ “Sử dụng chế phẩm sinh học trong canh tác cây trồng”, Trung tâm Thông tin Khoa học và Công nghệ TP. HCM)

https://abi.com.vn/cong-nghe-vi-sinh/su-dung-che-pham-sinh-hoc-trong-nong-nghiep-188.html

Filed Under: Công nghệ vi sinh

  • « Previous Page
  • 1
  • 2
  • 3
  • 4
  • Next Page »

Bài viết mới

  • Bảo vệ: Chuyển Phát Nhanh Quốc Tế Giá Rẻ 2025: Bảng Giá Chi Tiết & Chính Sách Bồi Thường 250% Từ Vietcargo
  • Bảo vệ: Hướng Dẫn Chi Tiết Cách Gửi Hàng Đi Trung Quốc An Toàn – Tiết Kiệm 2025 (Kèm Bảng Giá Mới Nhất)
  • Bảo vệ: Khám Phá 50 Tiểu Bang Của Mỹ: Thủ Phủ, Đặc Trưng Và Bí Mật Ít Ai Biết
  • Cuộc sống
    • Những câu nói hay về cuộc sống
  • Thơ hay
  • Công Nghệ
  • Phim
  • Game
  • Tính phần trăm (%) online

Danh mục

Copyright © 2025 · Generate Pro on Genesis Framework · WordPress · Log in